Làng Tri Chỉ Tri Trung

Làng Chể (làng Tri Chỉ) là một làng quê thuộc vùng đồng chiêm trũng, với địa thế nằm dọc theo bờ sông Nhuệ, chiều dài khoảng 1 km, làng Tri Chỉ có thế đất rất đặc biệt theo kiểu chữ Nhi (而) và chia thành hai làng (làng Thượng và làng Hạ) với diện tích 470 mẫu (đất canh tác 420 mẫu, đất thổ cư 50 mẫu), dân số 2.154 nhân khẩu (459 hộ gia đình), đời sống chính là sản xuất nông nghiệp.

Về mặt địa lý, làng Tri Chỉ phía đông giáp sông Nhuệ, phía tây giáp xã Phú Túc, phía bắc giáp làng Tân Độ (làng Nhầu) thuộc xã Hồng Minh, phía nam giáp làng Trung Lập (làng Sộp) thuộc xã Tri Trung.

Theo âm Hán Việt: Tri là biết, Chỉ là dừng lại; tên làng Tri Chỉ có nghĩa là biết dừng.

Qua khảo sát một số tộc phả ở Tri Chỉ và một vài di chỉ như rìu đồng ở ao Phục Viên, trống đồng ở làng Trung Lập, tiền xu mang chữ "Hưng triều thông bảo", bia đề "Mã Viện chi thê" ở Nghè (nhiều người trong làng cho biết là đã nhìn thấy, nay đã bị thất lạc), đồng thời, dựa vào các sách Tên làng xã Việt Nam thế kỉ XIX, cộng với tư liệu địa phương, chúng ta có thể biết:

Vào đời Lê Thái Tông, niên hiệu Thiệu Bình (1434 -1439), Tri Chỉ là một xã của tổng Hoà Mỹ, huyện Phú Xuyên, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam, có nghĩa là từ thời điểm đó, chúng ta mới biết được một "địa chỉ" cụ thể về Tri Chỉ trong hệ thống làng xã Việt Nam cổ truyền. Từ đây, làng Tri Chỉ có một số thay đổi về địa danh: Đầu thế kỉ XIX thuộc trấn Sơn Nam Thượng. Trước năm 1888 thuộc tỉnh Hà Nội, trước năm 1945 là xã Tri Chỉ thuộc tổng Tri Chỉ, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Đông gồm các xóm (khu dân cư): ngõ Sọi, ngõ Làng, ngõ Chỗ (làng Thượng), ngõ Hổi, ngõ Cõi, ngõ Ngói, ngõ Đông (làng Hạ), sau đổi thành các xóm: Thanh Trị, Thanh Khê, Thanh Tân, Thanh Lịch, Chính Tâm và Đông Phú. Mỗi xóm có một trưởng xóm do trong xóm cắt phiên mỗi người làm một năm và có ngày tháng quy định, ở đầu các xóm có một mảnh đất khoảng 70m2 để xây miếu thờ Thổ công xóm (nay đã biến thành khu dân cư).

Năm 1946, hai xã Tri Chỉ và Trung Lập của tổng Tri Chỉ sáp nhập thành xã Tri Trung thuộc huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Đông. Năm 1948 xã Tri Trung cùng với xã Phú Túc (kể cả làng Đường La và Trình Viên) lập thành xã Ái Quốc. Trong thời gian này, các xóm (ngõ) cũ của làng Tri Chỉ cũng được thay đổi: ngõ Sọi, ngõ Làng, ngõ Chỗ đổi thành xóm Hoà Bình; ngõ Cộc, ngõ Hổi (xóm Thanh Tân cũ) đổi thành xóm Hạnh Phúc; ngõ Ngói (Thanh Lịch cũ) đổi thành xóm Dân Chủ; ngõ Cõi (Chính Tâm cũ) đổi thành xóm Tự Do; ngõ Đông (Đông Phú) đổi thành xóm Cộng Hoà.

Hiện nay, làng Tri Chỉ chia thành ba khu dân cư (đội sản xuất): Đội sản xuất số 1 gồm cả xóm Hoà Bình (làng Thượng); Đội sản xuất số 2 gồm hai xóm cũ Hạnh Phúc và Dân Chủ; Đội sản xuất số 3 gồm hai xóm: Tự Do và Cộng Hoà.

Cách đây hàng trăm năm, nơi đây còn là vùng đầm lầy, hoang vu với những bãi bồi ven sông. Trải qua bao đời khai phá, ông cha ta đã chung lưng, đấu cật nhổ gốc, bốc trà, thau chua rửa mặn, biến những bãi đồng hoang vắng, đầm lầy lau sậy um tùm thành những cánh đồng thẳng cánh cò bay, dựng nên quê hương Tri Chỉ đầm ấm, đông đúc và vui vầy.

Hiện nay đất canh tác gồm 420 mẫu Bắc Bộ chia thành các xứ đồng: Cán Tàn, Cây Chanh, Mụ (Cây Gáo), Cây Đa, Cây Đề, Đồng Sung, Sân Trà, Lầy, Xép, Gốc, Sậy, Dâu, Đường Cà, Ba Đỗi, Bói, ác Bạc, Ngang, Cầu, Nẩy Trung, Nẩy Dài, Đồ ấm,... Năm 1937, làng Tri Chỉ có một xứ đồng Nhội khoảng 40 mẫu, do khơi dòng sông Nhuệ đã nắn lại đoạn sông từ làng Gọc (xã Phượng Dực) đến Ba Lương (thuộc xã Đại Xuyên) cho thẳng dòng, nên xứ đồng Nhội đã thuộc về làng Văn Trai thuộc xã Văn Hoàng, hiện nay làng Văn Trai gọi là xứ đồng Chể. Tên gọi kẻ Chể, cho chúng ta biết đây là vùng đất cổ, được khai phá từ rất sớm. Những nhóm người nhỏ gồm các dòng họ khác nhau lớn dần thành trang, ấp, chòm, xóm rồi thành làng như hiện nay.